Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 vì lợi ích doanh nghiệp

Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001 vì lợi ích doanh nghiệp

Hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề quản lý năng lượng tại doanh nghiệp, cùng Viện Phần Mềm tìm hiểu ngay nhé.

Thông qua việc đưa ra các yêu cầu đối với một Hệ thống Quản lý Năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 góp phần quan trọng trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, do đó mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp.

Năng lượng là tài nguyên thiết yếu cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Việc khai thác chưa hợp lý các tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng một cách lãng phí đã đẩy nguồn tài nguyên quý giá này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, hơn nữa điều này còn gây ra tổn thất không nhỏ tới lợi nhuận của chính doanh nghiệp bởi các chi phí phải trả cho việc sử dụng các nguồn năng lượng vào những thời điểm không cần thiết, hoặc sử dụng chúng với một lượng dư thừa.

Do đó, sử dụng năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả đã và đang trở thành mối quan tâm chung, đồng thời cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nói riêng, và với toàn nhân loại nói chung.
Trước thực trạng khai thác tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng như hiện nay, nhiều cơ quan quản lý thuộc Chính phủ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công cuộc tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát việc sử dụng năng lượng, đồng thời đảm bảo các nguồn năng lượng được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả.

Tại Việt Nam, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua vào ngày 17 tháng 6 năm 2010. Như vậy, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả không chỉ xuất phát từ nhu cầu tối ưu hóa của doanh nghiệp mà còn là bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các yêu cầu Pháp luật.

Vậy, doanh nghiệp phải làm gì để sử dụng tối đa hiệu quả do các nguồn năng lượng đem lại mà không gây lãng phí? Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 là một giải pháp tốt mà các doanh nghiệp nên cân nhắc và lựa chọn.

ISO 50001:2011 là gì?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 là một tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống Quản lý Năng lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành vào ngày 15 tháng 6 năm 2011. Bằng việc đưa ra các yêu cầu cần có đối với một Hệ thống Quản lý Năng lượng, ISO 50001:2011 là một công cụ đắc lực cho mọi tổ chức, doanh nghiệp trong việc thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đồng thời tạo cơ sở cho việc tự đánh giá, tự công bố sự phù hợp, hoặc đánh giá và cấp chứng nhận về việc đáp ứng các chuẩn mực quản lý năng lượng bởi các Tổ chức chứng nhận.

ISO 50001:2011 là gì?

Đối tượng áp dụng ISO 50001:2011?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 có thể áp dụng cho mọi tổ chức có nhu cầu, không phân biệt quy mô, hoạt động hay yếu tố địa lý.
Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 rất phù hợp với các tổ chức hoạt động với các quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, nằm trong danh sách cơ sở sử dụng trọng điểm, hoặc các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính.

Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011

ISO 50001 giúp doanh nghiệp tiếp cận quản lý năng lượng theo vòng tròn PDCA, cụ thể:
♦ Plan (Lập kế hoạch): Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ năng lượng và thiết lập các chỉ số hoạt động năng lượng, mục tiêu, chỉ tiêu, các thủ tục kiểm soát và kế hoạch hành động cần thiết nhằm đạt được cam kết trong chính sách năng lượng và cải tiến hoạt động quản lý năng lượng tại tổ chức.
♦ Do (Thực hiện): Tiến hành thực hiện các thủ tục, kế hoạch hành động về quản lý năng lượng đã được thiết lập.
♦ Check (Kiểm tra): Giám sát và đo lường các quá trình và các yếu tố cơ bản của các hoạt động tác nghiệp, giúp xác định các kết quả cụ thể của hoạt động quản lý năng lượng trong tổ chức, chứng tỏ sự phù hợp với chính sách năng lượng và các mục tiêu năng lượng được thiết lập.
♦ Act (Hành động): Thực hiện các hành động cần thiết nhằm cải tiến liên tục hoạt động năng lượng và Hệ thống Quản lý Năng lượng của tổ chức.

ISO 50001:2011 mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011đưa ra khuôn khổ các yêu cầu, giúp tổ chức:

♦ Thiết lập, thực hiện và duy trì chính sách nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn;
♦ Thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm hướng tới chính sách sử dụng năng lượng hợp lý và hiệu quả đã cam kết;
♦ Xác định các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác cần tuân thủ;
♦ Sử dụng các số liệu thu thập được để phân tích và đưa ra các quyết định liên quan tới tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp;
♦ Đo lường các kết quả, kiểm kê tiêu thụ năng lượng cho các hoạt động, bao gồm cả việc tiêu thụ năng lượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai;
♦ Xem xét tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách đã cam kết;
♦ Cải tiến liên tục Hệ thống Quản lý Năng lượng.

Áp dụng Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 giúp doanh nghiệp đánh giá mức tiêu thụ và sử dụng năng lượng hiện tại, tìm kiếm các giải pháp cải tiến nhằm sử dụng một cách tốt hơn các thiết bị sử dụng năng lượng hiện tại, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của các máy móc, thiết bị do đó giảm mức năng lượng được sử dụng và giảm được chi phí đáng kể cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông qua việc thiết lập và áp dụng các thủ tục kiểm soát điều hành liên quan tới sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn năng lượng, ISO 50001:2011 còn giúp doanh nghiệp tránh được các khoản tiền phạt theo các chế tài xử lý vi phạm trong việc sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, với mục đích sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả , ISO 50001:2011 còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến quản lý năng lượng đối với các dự án giảm phát thải khí nhà kính.

ISO 50001

Về mặt thị trường, Hệ thống Quản lý Năng lượng được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 tạo cơ hội cho việc quảng bá, đồng thời đây cũng là công cụ cho doanh nghiệp vượt qua hàng rào kỹ thuật thương mại và giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và cộng đồng, do đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội cho việc mở rộng thị trường, bao gồm cả việc gia nhập thị trường quốc tế.

Do được xây dựng trên cùng một cấu trúc với Tiêu chuẩn ISO 14001:2004 nên Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 có thể được áp dụng độc lập hoặc tích hợp với các hệ thống quản lý khác một cách thuận lợi, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Với những lợi ích trên, ISO 50001:2011 thực sự là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu (Theo Vũ Thị Việt Hằng – P&Q Solutions).

Áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng trước hết là vì lợi ích của DN như tiết giảm chi phí năng lượng, từ đó giảm phát thải ô nhiễm, bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia.

Đây là một cơ chế “các bên cùng thắng”. Ông Nguyễn Kinh Luân – Chuyên gia Tư vấn cho Văn phòng Tiết kiệm năng lượng – Bộ Công Thương đã chia sẻ như vậy tại Hội thảo phổ biến Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001 với phóng viên Kinh tế Việt Nam.

Thưa ông, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả yêu cầu các DN sử dụng năng lượng trọng điểm phải áp dụng mô hình quản lý năng lượng. Vậy như thế nào là mô hình quản lý năng lượng?

Mô hình quản lý năng lượng là một hình mẫu được định hình theo một tiêu chuẩn cụ thể được lựa chọn về quản lý năng lượng, áp dụng để xây dựng Hệ thống quản lý năng lượng trong DN. Trước khi tiêu chuẩn quản lý năng lượng ISO 50001 được Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế công bố từ cuối năm 2011, nhiều nước đã xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quản lý năng lượng riêng cho quốc gia mình, ví dụ tiêu chuẩn châu Âu là EN16001:2009 hay ANSI/MSE 2000 của Mỹ, GB/T 23331:2009 của Trung Quốc

… nhưng các tiêu chuẩn đều có điểm tương đồng, đều quy định về sáu thành phần chung nhất cho một hệ thống quản lý năng lượng trong DN, bao gồm: Có cam kết của lãnh đạo DN về chính sách năng lượng; Có cơ cấu tổ chức để thực hiện quản lý năng lượng;Có cơ chế thúc đẩy, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực triển khai hoạt động hiệu suất năng lượng;

Có hệ thống kiểm soát đo lường về sử dụng năng lượng; Có hệ thống tuyên truyền, marketing; Có cơ chế nguồn vốn dành cho các dự án TKNL. Tương ứng với mỗi tiêu chí như vậy, người ta phát triển ra năm mức độ, từ không đến có, đến hoàn thiện, để xem xét về trình độ quản lý năng lượng của một DN.

Như vậy, hệ thống quản lý năng lượng sẽ đen lại lợi ích như thế nào đối với DN, thưa ông?

Có những học giả đã tóm lược thành một định nghĩa đơn giản mà bao quát “Quản lý năng lượng là việc tổ chức thực hiện sử dụng năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả nhằm đạt được lợi nhuận cao nhất (chi phí nhỏ nhất) và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN”.

Như vậy, áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng trong DN sẽ giúp DN sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn, tức là làm giảm chi phí sản xuất; thêm vào đó còn giảm tác động đến môi trường, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động; nâng cao hình ảnh, uy tín, sức cạnh tranh của DN.

Thưa ông, với những tác động lớn như vậy, DN cần phải làm như thế nào để có hệ thống quản lý năng lượng?

Tôi nghĩ các DN không thể hoàn thiện ngay lập tức việc xây dựng một hệ thống quản lý năng lượng cho riêng mình mà phải làm từng bước. Theo đó, cần phải bắt đầu bằng việc chuyển biến nhận thức của lãnh đạo. Khi lãnh đạo DN nhận thức được lợi ích của hệ thống quản lý năng lượng, có quyết tâm theo đuổi thực hiện sẽ là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho thành công.

Kế đó, để triển khai các công việc cụ thể, lãnh đạo DN cần bổ nhiệm người quản lý năng lượng giúp giám đốc quán xuyến việc quản lý năng lượng, triển khai mọi hoạt động liên quan như dự thảo chính sách năng lượng của DN, xây dựng cơ cấu tổ chức quản lý năng lượng, xây dựng kế hoạch hành động… từng bước hoàn thiện dần, thực hiện đầy đủ các quy định, hướng dẫn của tiêu chuẩn quản lý năng lượng.

Khi áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001, vấn đề xây dựng các văn bản quy định trình tự thủ tục cụ thể cho từng việc, từng vị trí, con người liên quan trong hệ thống sẽ mất nhiều thời gian và có thể cần phải nhờ đến các tổ chức tư vấn có kinh nghiệm.

Tuy vậy, nếu DN đã áp dụng các tiêu chuẩn như ISO 9001 về quản lý chất lượng hay ISO 14000 về quản lý môi trường sẽ thấy có nhiều nội dung tương đồng, có thể tích hợp vào trong cùng một hệ thống, từ đó tiết kiệm được thời gian cho việc xây dựng các quy định về trình tự thủ tục trong hệ thống quản lý năng lượng.

Viện Phần Mềm sẽ góp phần mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích thiết thực nhất từ ISO 50001. Hãy để chúng tôi đồng hành cùng bạn! Hãy tham dự Free Forum: ISO 50001 tổ chức tại Viện Phần Mềm

(Nguồn: QT-ECO)
Ban biên tập: Viện Phần Mềm

5/5 - (1 bình chọn)

Chia sẻ ngay!

Facebook
Pinterest
Twitter
Reddit
guest
0 Bình luận
Phản hồi
Xem tất cả các bình luận
0
Để lại bình luận ngay bạn nhéx