CMMI là mô hình tuyệt với giúp doanh nghiệp phát triển bền vững và phát triển toàn diện, Vậy trong bài viết này cùng Viện Phần Mềm tìm hiểu CMMI là gì? và những thông tin thú vị xoay quanh.
CMMI là gì?
CMMI là mô hình năng lực trưởng thành tích hợp cung cấp một định nghĩa rõ ràng về những hành động cần được doanh nghiệp xúc tiến để nâng cao năng suất hoạt động. Với năm “Mức trưởng thành” hoặc ba “Mức năng lực”, CMMI xác định những yếu tố quan trọng nhất để xây dựng nên sản phẩm tốt, hoặc cung cấp dịch vụ tốt và đưa chúng vào mô hình hoàn thiện.
CMMI giúp doanh nghiệp trả lời cho câu hỏi: “Làm sao để biết được?”:
- Làm sao để biết được chúng ta đang có gì vượt trội?
- Làm sao để biết được rằng chúng ta đang phát triển?
- Làm sao để biết được quy trình đang sử dụng vận hành tốt?
- Làm sao để biết được các yêu cầu thay đổi quy trình là hữu hiệu?
- Làm sao để biết được sản phẩm tạo ra có thể tốt hơn hay không?
Mô hình CMMI còn giúp doanh nghiệp có thể nhận diện và đạt được các mục tiêu kinh doanh, tạo ra những sản phẩm tốt hơn, làm hài lòng khách hàng hơn và bảo đảm rằng doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả nhất có thể. Mỗi vùng quy trình sẽ tự thích nghi với văn hóa và các hoạt động của mỗi doanh nghiệp. CMMI không chỉ đơn giản là một quy trình, nó là một quyển sách về “những gì cần làm” chứ không phải là quyển sách về việc “nên làm thế nào”, qua đó CMMI không hề mách nước cho doanh nghiệp là nên làm thế nào. Một cách chính xác hơn, CMMI giúp doanh nghiệp nhận diện các hoạt động cần được xúc tiến. Vì vậy, giải thích cho câu hỏi CMMI là gì? CMMI được định nghĩa là “mô hình hoạt động” hoặc “mô hình quy trình”.
Lịch sử hình thành – History
Mô hình CMMI được phát triển bởi Viện Kỹ Nghệ SEI tại trường Đại học Carnegie Mellon, hiện nay được vận hành và duy trì bởi Viện CMMI, một đơn vị hoạt động của trường Đại học Carnegie Mellon. CMMI là sự kế thừa của mô hình phần mềm CMM, hay còn gọi là SW-CMM. CMMI có nhiều loại, vì thế được gọi là mô hình “tích hợp”, bao gồm CMMI cho Sự phát triển (CMMI-Dev), CMMI cho các ngành dịch vụ (CMMI-SV), và CMMI cho các ngành thu mua (CMMI-ACQ). Ba loại hình này cùng có chung một bộ quy trình chính yếu gồm 16 vùng quy trình.
CMMI-Dev được các doanh nghiệp trên thị trường theo đuổi nhiều nhất, theo sau đó là CMMI-SV và cuối cùng là CMMI-ACQ.
Đánh giá CMMI – CMMI Appraisal
Phương pháp đánh giá CMMI tiêu chuẩn cho việc cải tiến quy trình (The Standard CMMI Appraisal Method for Process Improvement – SCAMPI) là phương pháp mà Đánh giá trưởng được Viện CMMI ủy quyền sẽ thực hiện giúp doanh nghiệp đạt được “CMMI ở một mức độ mong muốn”. Có ba loại đánh giá khác nhau, được phân theo “cấp”, đó là SCAMPI A, SCAMPI B và SCAMPI C. SCAMPI A là phương pháp đánh giá duy nhất giúp chấm điểm để doanh nghiệp đạt được chứng chỉ mức độ trưởng thành hoặc mức độ năng lực. SCAMPI C thường được xem như là hạng mục “Phân tích thực trạng”, hoặc là một công cụ để thu thập thông tin, còn SCAMPI B thì được thực hiện như hạng mục Xem xét mức độ chấp hành của doanh nghiệp hoặc đánh giá thử. Kết quả đánh giá SCAMPI A sẽ được đăng lên trang web Viện CMMI “PARS” và bất cứ ai cũng có thể truy cập và kiểm tra.
Kiến trúc CMMI – CMMI Architecture
CMMI cho Sự phát triển có 22 vùng quy trình trong khi CMMI cho các dịch vụ có đến 24 vùng quy trình. CMMI có thể được sử dụng theo sự mô tả “giai đoạn” hoặc “tiếp diễn”. Sự mô tả giai đoạn, nhóm các vùng quy trình lại thành 05 “mức độ trưởng thành” là sự lựa chọn phổ biến nhất, tuy nhiên một doanh nghiệp vẫn có thể lựa chọn vùng quy trình phù hợp với họ nhất và hoạt động dựa trên sự mô tả “tiếp diễn”.
Không có sự khác biệt nào về nội dung giữa hai mô tả này. Khi chọn mô tả “giai đoạn”, doanh nghiệp sẽ lựa chọn một mẫu các vùng quy trình được xác định từ trước và được thực hiện nhằm đạt được “Mức độ trưởng thành”. Khi chọn mô tả “tiếp diễn”, doanh nghiệp chọn các vùng quy trình phù hợp để cải tiến các vùng đặc biệt của họ. Trong giai đoạn mô tả “tiếp diễn” được sắp xếp theo “loại”.
Các vùng quy trình của CMMI bao gồm “Các mục tiêu cụ thể – Specific Goals (SGs)” và “Các phương pháp thực thi cụ thể – Specific Practices (SPs)”. Các phương pháp thực thi giúp doanh nghiệp xác định các hoạt động cần xúc tiến cho dự án và cho chính doanh nghiệp.
Ngoài ra, có 12 “Phương pháp thực thi chung – Generic Practices (GPs)” hướng doanh nghiệp đến sự ưu việt, bao gồm các hoạt động như lên kế hoạch, đào tạo, đo lường chất lượng, giám sự vận hành của quy trình, và đánh giá sự tuân thủ.
Tiến trình triển khai CMMI – CMMI Implementation
Tất nhiên tiến trình triển khai CMMI của mỗi doanh nghiệp là khác nhau, tuy nhiên thông thường các doanh nghiệp sẽ bắt đầu dự án CMMI và hành trình cải tiến quy trình với hạng mục Phân tích thực trạng, hay còn gọi là Đánh giá “SCAMPI C”. SCAMPI C sẽ giúp doanh nghiệp phân tích được phạm vi CMMI, xem xét một cách kỹ lưỡng và đưa ra các khuyến nghị khi nhận diện toàn diện các điểm yếu.
Theo sau đó thông thường là hạng mục “Đào tạo chính quy CMMI”, hoặc các khóa đào tạo khác dành cho các thành viên chủ chốt, hoặc các hoạt động theo sau như viết, điều chỉnh, chấp nhận hoặc loại bỏ các tài sản quy trình. Các tài sản quy trình này bao gồm xác định và các biểu mẫu quy trình, hướng dẫn mô tả công việc, các bản tin, báo cáo, đào tạo, các chính sách, phương pháp công cụ,…
Tiếp theo đó, khi doanh nghiệp đã sẵn sàng hơn, nên tiến hành thêm một vài buổi đánh giá trước khi đến với đánh giá chính thức cuối cùng SCAMPI A và thành công đạt chứng chỉ.
CÁC MÔ HÌNH – KHUÔN MẪU CMMI
Như các bạn đã biết, CMMI là một mô hình tích hợp các nguyên tắc và kiến thức về cải tiến quy trình cho toàn bộ ngành phần mềm, tuy nhiên các doanh nghiệp phần mềm có thể chọn lựa cho mình một mô hình CMMI phù hợp nhất với mục tiêu và lĩnh vực kinh doanh của dự án mà họ đang thực hiện. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về 4 mô hình CMMI và hướng dẫn cho các Doanh nghiệp cách chọn mô hình phù hợp nhất.
1. Kỹ thuật hệ thống – System Engineering (SE)
Kỹ thuật hệ thống bao gồm sự phát triển của toàn bộ hệ thống, có thể có hoặc không bao gồm phần mềm. Các kỹ sư hệ thống sẽ tập trung chủ yếu vào việc tìm hiểu nhu cầu, mong muốn của khách hàng và biến đổi chúng thành các giải pháp sản phẩm, đồng thời họ sẽ luôn luôn hỗ trợ các giải pháp sản phẩm này trong suốt vòng đời của sản phẩm.
2. Kỹ thuật phần mềm – Software Engineering (SW)
Kỹ thuật phần mềm bao gồm sự phát triển của toàn bộ tất cả các hệ thống phần mềm. Các kỹ sư phần mềm tập trung vào việc áp dụng các phương pháp tiếp cận có hệ thống, có kỷ luật và có thể định lượng cho sự phát triển, vận hành và bảo trì phần mềm.
3. Tích hợp sản phẩm và phát triển quy trình – Intergrated Product and Process Development (IPPD)
Tích hợp sản phẩm và phát triển quy trình là một cách tiếp cận có hệ thống nhằm giúp doanh nghiệp đạt được sự hợp tác kịp thời từ các bên liên quan trong suốt vòng đời của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, mong đợi, và các yêu cầu của khách hàng một cách tốt hơn. Các quy trình hỗ trợ thực hiện phương pháp tiếp cận IPPD thường sẽ được tích hợp với các quy trình khác của doanh nghiệp.
Nếu một dự án hoặc một doanh nghiệp chọn mô hình IPPD, dự án hoặc doanh nghiệp đó sẽ phải triển khai các phương pháp thực thi tốt nhất của mô hình IPPD cùng với các phương pháp thực thi tốt nhất để sản xuất sản phẩm (ví dụ như các phương pháp thực thi liên quan đến mô hình Kỹ thuật hệ thống – Software Engineering). Vì thế, nếu dự án hoặc doanh nghiệp muốn chọn mô hình IPPD thì ngoài nó ra, phải chọn thêm một hoặc nhiều mô hình khác nữa.
4. Liên kết với nhà cung cấp – Supplier Sourcing (SS)
Khi công việc hoàn thành sản phẩm trở nên phức tạp hơn, các nhân viên quản lý dự án (Project Manager – PM) có thể thuê các nhà cung cấp khác thực hiện một số chức năng hoặc điều chỉnh sản phẩm có yêu cầu đặc biệt từ dự án. Khi đó, cần lưu ý rằng lợi ích của dự án sẽ được gia tăng đáng kể nếu doanh nghiệp tăng cường phân tích kỹ lưỡng trước khi chọn nhà cung ứng đồng thời giám sát chặt chẽ các hoạt động của họ trước khi chuyển giao sản phẩm.
Cũng giống với các phương pháp thực thi tốt nhất của mô hình IPPD, các phương pháp thực thi tốt nhất của mô hình này SS cần phải được thực hiện song song với các phương pháp thực thi được sử dụng để sản xuất sản phẩm.
Vậy làm cách nào để Doanh nghiệp có thể lựa chọn cho mình mô hình CMMI thích hợp nhất?
Việc lựa chọn mô hình CMMI thích hợp thực sự không đơn giản và còn phụ thuộc vào các vấn đề mà doanh nghiệp muốn cải thiện.
- Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến các quy trình kỹ thuật hế thống, như Quản lý cấu hình (Configuration Management), Đo lường và Phân tích (Measurement and Analysis), Tập trung vào Quy trình Tổ chức (Organizational Process Focus), Giám sát và Kiểm soát Dự án (Project Monitoring and Control), Đảm bảo chất lượng Quy trình và Sản phẩm (Process and Product Quality Assurance), Quản trị rủi ro (Risk Management), Quản lý Thỏa thuận với Nhà cung cấp (Supplier Agreement Managemen)… thì doanh nghiệp nên lựa chọn mô hình Kỹ thuật hệ thống (SE).
- Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến các quy trình liên quan đến sản phẩm tích hợp và phát triển quy trình như Nhóm tích hợp (Integrated Teaming), Môi trường tổ chức cho sự tích hợp (Organizational Environment for Integration)… thì doanh nghiệp nên chọn mô hình Tích hợp sản phẩm và phát triển quy trình (IPPD).
- Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến các quy trình liên quan đến việc liên kết với nhà cung cấp như Quản lý tích hợp nhà cung cấp thì doanh nghiệp nên chọn mô hình Supplier Source (SS).
- Nếu doanh nghiệp có nhu cầu cải tiến nhiều quy trình khác nhau thì doanh nghiệp nên chọn và chú ý nhiều vào các mô hình liên quan đến lĩnh vực này.
4 LÝ DO DOANH NGHIỆP “NGẠI” CMMI
Như các bạn cũng đã biết, mô hình trưởng thành năng lực tích hợp CMMI cung cấp các phương pháp thực thi tốt nhất (best practices) giúp các doanh nghiệp phát triển kỹ thuật, hệ thống và phần mềm, qua đó gia tăng sự tối ưu hóa của sản phẩm và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Tuy nhiên, việc triển khai và tuân thủ theo mô hình CMMI không phải là chuyện đơn giản. Doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức để có thể tuân thủ theo mô hình CMMI, đặc biệt là ở mức độ trưởng thành 5. Sau đây là 4 lý do mà hầu hết các doanh nghiệp đều “ngại” gặp phải khi triển khai CMMI:
Tốn quá nhiều thời gian và công sức
Triển khai CMMI có thể quá khó khăn và nặng nề. Có tổng cộng 356 phương pháp thực thi cho Mức độ trưởng thành 3, và mỗi phương pháp thực thi cần phải có một quy trình mô tả thực hiện nó. Tuy nhiên không có nghĩa là nhất thiết cần phải chuẩn bị 356 tài liệu quy trình riêng lẻ, bởi các quy trình có thể được viết chung trong một bộ tài liệu hoặc một quy trình có thể bao gồm nhiều phương pháp thực thi cùng một lúc. Ví dụ như một ma trận của một bên liên quan có thể chứa đến 19 phương pháp thực thi.
Có tất cả là 03 hướng tiếp cận để xác định và dữ liệu hóa quy trình:
- Phương pháp tiếp cận đầu tiên yêu cầu phải có một người chịu trách nhiệm thực hiện quy trình, dữ liệu hóa tất cả những gì doanh nghiệp đã thực hiện – sử dụng chung một biểu mẫu với cùng định dạng cho tất cả các quy trình.
- Phương pháp tiếp cận thứ hai là sẽ có một người chịu trách nhiệm phỏng vấn những thành viên có trách nhiệm thực hiện quy trình, sau đó người này sẽ dữ liệu hóa và viết lại các quy trình đó. Nhân sự thực hiện quy trình có trách nhiệm phải xem xét dự thảo quy trình nhằm rà soát những điểm còn thiếu hoặc chưa chính xác; đồng thời phải tiến hành đào tạo quy trình.
- Phương pháp tiếp cận thứ ba đó là mua công cụ dữ liệu hóa. Công cụ này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, ngân sách nếu nó chứa các quy trình, biểu mẫu tùy biến và tất cả các phương pháp thực thi có trong mô hình CMMI mức độ trưởng thành 3.
Mô hình CMMI làm giảm khả năng sáng tạo
CMMI là một tập hợp các phương pháp thực thi mô tả cách vận hành dự án và bao gồm các vòng đời dự án hoàn chỉnh đối với mức độ trưởng thành 3. Điều tuyệt vời nhất ở CMMI là nó mách bạn những thứ cần phải thực hiện nhưng công việc của bạn là phải tìm ra phương pháp và cách thức thực hiện chúng. Ví dụ như cách thức một doanh nghiệp nhỏ thu thập, phân tích và dữ liệu hóa các yêu cầu phải khác hẳn với cách mà một tập đoàn lớn thực hiện. Vì thế, thành viên trong nhóm dự án có thể thỏa sức sáng tạo với những cách thức thực hiện theo các phương pháp thực thi của CMMI.
CMMI chỉ giúp doanh nghiệp thắng thầu chứ không hề có lợi ích lâu dài
Đây có thể nói là một trong những nguyên nhân thường thấy nhất. Tuy nhiên, lí do khiến các doanh nghiệp thường không thấy được lợi ích lâu dài khi áp dụng CMMI là bởi vì sau khi đánh giá thành công thì họ lại ngưng áp dụng chúng. Trên thực tế là nếu tiếp tục áp dụng CMMI, doanh nghiệp sẽ đạt được các lợi ích nhất định từ các mô hình quy trình chuẩn, có thể thấy rõ đó là đạt được các phương pháp thực thi tốt nhất, nâng cao hiệu quả và hiệu suất, chất lượng được cải thiện, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho nhân viên, gia tăng sự hài lòng của khách hàng.
Sẽ rất tốt nếu doanh nghiệp đánh giá mức độ tuân thủ 3 năm 1 lần, vì vậy nếu muốn chủ động chấm điểm sự tuân thủ của mình, doanh nghiệp nên thực hiện đánh giá lại trước khi chứng chỉ CMMI hết hiệu lực. Các chuyên gia đánh giá thường than phiền rằng họ rất nản khi triển khai đánh giá lại cho các doanh nghiệp khi phát hiện ra rằng họ chẳng hề áp dụng CMMI trong suốt 3 năm sau đợt đánh giá đầu tiên. Vì nếu tiếp tục áp dụng CMMI, chắc chắn một điều là họ sẽ có năng suất hơn, làm việc hiệu quả và chất lượng hơn.
Cách duy nhất để xác định và đảm bảo lợi ích của việc cải tiến quy trình đó chính là tiếp tục áp dụng mô hình CMMI. Và cách duy nhất để tiếp tục áp dụng CMMI đó là Ban quản lý cấp cao phải yêu cầu và cung cấp nguồn lực để nhân viên có thể tiếp tục theo sát CMMI và thực hiện cải tiến quy trình của tổ chức.
Việc tập trung chuẩn bị cho đánh giá sẽ hạn chế nhân viên hoạt động trên các dự án và đáp ứng khách hàng
Đây có thể nói là lời than phiền thường thấy nhất từ doanh nghiệp sau khi hoàn tất việc triển khai đánh giá. “Thời gian chuẩn bị dài lê thê và chúng tôi tốn hàng trăm giờ làm việc để chuẩn bị đánh giá”.
Một doanh nghiệp cho biết họ tốn khoảng 400 giờ để chuẩn bị cho việc đánh giá CMMI. Giả định tiền lương chi trả cho nhân viên vào khoảng 50 đô la Mỹ/ giờ thì công ty này phải tốn khoảng 20.000 đô la Mỹ cho việc đánh giá. Con số này trong thực tế lớn hơn rất nhiều khi doanh nghiệp còn phải chi trả tiền thuê chuyên gia tư vấn và đánh giá để hỗ trợ họ trong quá trình đánh giá.
Việc chuẩn bị đánh giá và hoàn thành bảng PIID (Process Implementation Indicator Description) cực kỳ tốn thời gian, tiền bạc và công sức vì thế không có ai thực sự mong muốn thực hiện cả.
Tuy nhiên, việc hoàn thành bảng PIID cũng không hẳn là khó, nếu doanh nghiệp có bảng PIID tích hợp, khi nhân viên thực hiện các công việc hàng ngày thì bảng PIID sẽ được tự động được điền. Có một số công việc cần được thực hiện song song với việc xác định các phương pháp thực thi, qua đó một số kết quả tạo ra sẽ được đính kèm với công việc đó luôn. Vì thế, kết quả dự án sẽ luôn được đính kèm khi các quy trình được hoàn thiện. Điều này vừa đơn giản lại giúp nhân viên và doanh nghiệp có thể tiết kiệm thời gian để tập trung vào công việc và dự án nhiều hơn.
CÁC MỨC ĐỘ ĐÁNH GIÁ CỦA CMMI
Đánh giá CMMI có thể được hiểu như một cuộc kiểm tra của một hoặc nhiều quy trình bởi một nhóm các chuyên gia đã được huấn luyện từ trước. Nhóm đánh giá này sẽ sử dụng một mô hình đánh giá tham chiếu để làm cơ sở cho việc xác định điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp.
Việc đánh giá đòi hỏi doanh nghiệp phải lên kế hoạch từ trước. Việc lên kế hoạch bao gồm các hoạt động như xác định phạm vi kinh doanh của doanh nghiệp, các mô hình đánh giá là gì (disciplines), nhóm đánh giá sẽ bao gồm các thành viên trong hay ngoài công ty, các dự án được đem ra đánh giá, các đối tượng sẽ được phỏng vấn trong quá trình đánh giá, loại và mức độ đánh giá cần thiết cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần xem xét 3 loại thành phần mô hình đánh giá được định nghĩa trong chuẩn CMMI như sau:
- Required: Các mục tiêu chung và cụ thể
- Expected: Các phương pháp thực thi chung và cụ thể
- Informative: Bao gồm các phương pháp thực thi phụ và các sản phẩm công việc điển hình
Viện CMMI cũng đã phát hành hai văn bản hướng dẫn đánh giá CMMI như sau:
- Các yêu cầu đánh giá cho CMMI – Appraisal Requirements for CMMI (ARC): Văn bản này bao gồm các yêu cầu cho cả 3 mức độ của phương pháp đánh giá Loại A (Class A), Loại B (Class B) và Loại C (Class C).
- Phương pháp tiêu chuẩn đánh giá CMMI cho việc cải tiến quy trình – Standard CMMI Appraisal Method for Process Improvement (SCAMPI): Là văn bản mô tả phương pháp đánh giá – Method Description Document (MDD) đồng thời cũng là phương pháp đánh giá CMMI Loại A (Class A) duy nhất được viện CMMI chấp nhận hiện nay.
Ngoài ra hãy cùng với Viện Phần Mềm tìm hiểu 3 loại phương pháp đánh giá CMMI: Loại A (Class A), Loại B (Class B) và Loại C (Class C).
SCAMPI A – SCAMPI Class A Appraisal
Phương pháp đánh giá SCAMPI A thường sẽ được thực hiện khi doanh nghiệp đã chạm đến sự cải tiến quy trình một cách đáng kể và muốn điểm chuẩn các quy trình của mình theo mô hình CMMI. SCAMPI A là phương pháp đánh giá duy nhất cung cấp rating cho các mức độ trưởng thành CMMI (CMMI Maturity Levels) và năng lực CMMI (CMMI Capability Levels).
Thông qua đánh giá SCAMPI A, doanh nghiệp có thể đạt được một số kết quả dự kiến như sau:
- Rating của một mức độ trưởng thành CMMI (CMMI Maturity Level) hoặc rating của một mức độ năng lực CMMI (CMMI Capability Level).
- Chỉ ra các điểm mạnh và điểm yếu của các quy trình tuân thủ mô hình CMMI của Doanh nghiệp.
- Thỏa thuận dựa trên các vấn đề về bộ quy trình chính yếu của doanh nghiệp.
- Cơ sở dữ liệu đánh giá mà doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng để giám sát tiến độ cải tiến quy trình và hỗ trợ cho các cuộc đánh giá tiếp theo.
Phương pháp đánh giá SCAMPI B – SCAMPI Class B Appraisal
Đánh giá SCAMPI B sẽ được thực hiện khi một doanh nghiệp muốn đánh giá sự tiến bộ của mình và hướng tới mục tiêu Mức độ trưởng thành CMMI với chi phí đánh giá thấp hơn SCAMPI A. Đánh giá SCAMPI B cung cấp các kết quả chi tiết và cho thấy khả năng các phương pháp thực thi đã được đánh giá SCAMPI B có thể được đem đi đánh giá SCAMPI A là cao hay thấp.
Phương pháp đánh giá SCAMPI B là một trong 03 phương pháp đánh giá của Viện CMMI, giúp doanh nghiệp xác định tình trạng của các quy trình kỹ thuật phần mềm và hệ thống của mình đã phù hợp với mô hình CMMI chưa, qua đó tạo sự tự tin cho họ khi triển khai SCAMPI A.
Thông qua đánh giá SCAMPI B, doanh nghiệp có thể đạt được một số kết quả dự kiến như sau:
- Các kết quả chi tiết cho thấy điểm mạnh và điểm yếu của các quy trình tuân thủ mô hình CMMI.
- Sự mô tả tính năng quy trình nhằm chỉ ra khả năng các phương pháp thực thi đã được đánh giá đáp ứng được các mục tiêu CMMI là cao hay thấp.
- Thỏa thuận dựa trên các vấn đề về bộ quy trình chính yếu của doanh nghiệp.
- Cơ sở dữ liệu FIDO mà doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng để giám sát tiến độ cải tiến quy trình và hỗ trợ cho các cuộc đánh giá tiếp theo.
Phương pháp đánh giá SCAMPI C – SCAMPI Class C Appraisal
Đánh giá SCAMPI C thường ngắn gọn và linh hoạt hơn đánh giá SCAMPI A và B. Đồng thời, đánh giá SCAMPI C được thực hiện nhằm xác định các nhu cầu đặc biệt đa dạng của doanh nghiệp từ việc tiến hành phân tích thực trạng nhằm xác định sự sẵn sàng về mặt tài liệu trước khi tham gia SCAMPI A. Đánh giá SCAMPI C thường được thực hiện xuất phát từ các nhu cầu sau đây của doanh nghiệp:
- Phân tích thực trạng các quy trình của tổ chức so với mô hình chuẩn CMMI
- Đánh giá sự hoàn thiện quy trình trước khi đánh giá chúng
- Xem xét mức độ sẵn sàng về mặt tài liệu để chuẩn bị cho SCAMPI A
- Hỗ trợ lựa chọn nhà cung ứng thích hợp
Thông qua đánh giá SCAMPI C, doanh nghiệp có thể đạt được một số kết quả dự kiến như sau:
- Các kết quả cho thấy điểm mạnh và điểm yếu của các quy trình được đánh giá. Phụ thuộc vào phạm vi và chiến lược đánh giá mà các kết quả này sẽ được điều chỉnh cho phù hợp với các thành phần CMMI.
- Sự mô tả tính năng quy trình nhằm thể hiện sự hoàn thiện của các quy trình được đánh giá theo yêu cầu của CMMI.
- Các hành động được đề nghị nhằm cải tiến quy trình
- Cơ sở dữ liệu FIDO mà doanh nghiệp có thể tiếp tục sử dụng để giám sát tiến độ cải tiến quy trình và hỗ trợ cho các cuộc đánh giá tiếp theo.
Tóm tắt đặc điểm của các phương pháp đánh giá:
Mỗi phương pháp đánh giá CMMI sẽ được phân biệt bởi mức độ chặt chẽ của việc áp dụng các nguyên tắc CMMI. SCAMPI A đòi hỏi mức độ chặt chẽ cao nhất, SCAMPI B sẽ dễ hơn một chút và SCAMPI C là dễ nhất. Bảng sau đây cho thấy sự khác biệt về yêu cầu giữa các 3 phương pháp đánh giá:
Đặc điểm |
SCAMPI A |
SCAMPI B |
SCAMPI C |
Số lượng bằng chứng mục tiêu thu thập – Amount of objective evidence gathered |
Cao – High |
Vừa – Medium |
Thấp – Low |
Điểm đánh giá – Rating Generated |
Có – Yes |
Không – No |
Không – No |
Nguồn lực cần thiết – Resources Needs |
Cao – High |
Vừa – Medium |
Thấp – Low |
Kích thước nhóm – Team size |
Lớn – Large |
Vừa – Medium |
Nhỏ – Small |
Nguồn dữ liệu (Dụng cụ, các buổi phỏng vấn và tài liệu) – Data Source (Instrument, interviews and documents) |
Yêu cả 3 nguồn dữ liệu |
Yêu cầu 2 nguồn dữ liệu (một trong hai nguồn bắt buộc là các buổi phỏng vấn) |
Chỉ yêu cầu 1 nguồn dữ liệu |
Yêu cầu về trưởng nhóm đánh giá – Appraisal team leader requirement |
Đánh giá trưởng được Viện CMMI ủy quyền |
Đánh giá trưởng được Viện CMMI ủy quyền hoặc cá nhân được đào tạo và có kinh nghiệm |
Cá nhân được đào tạo và có kinh nghiệm |
Tham khảo: www.broadswordsolutions.com – www.tutorialspoint.com
Ban biên tập: Viện Phần Mềm